CHÀO MỪNG 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHPN VIỆT NAM 20/10/1930 - 20/10/2021
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhìn đâu đâu chúng ta cũng thấy được hình bóng của người phụ nữ. Vai trò của phụ nữ đã được Bác Hồ nêu trong Hội nghị cán bộ thảo luận Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10/10/1959 như sau: "Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa".
Người phụ nữ có rất nhiều đóng góp trong công cuộc dựng xây, bảo tồn, trau dồi, kế thừa, phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp từ đời này sang đời khác.
Ở thời chiến, với khẩu hiệu "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" những tấm gương phụ nữ bất khuất, kiên cường đã được ghi tạc trên tấm bia lịch sử của dân tộc.
Không chỉ vậy, phụ nữ còn là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Một hậu phương không chỉ làm chỗ dựa tinh thần mà còn là giỏi tay cày, tay cuốc tiếp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Để rồi "Chị Hai năm tấn", "Cô Ba dũng sĩ" xuất hiện và tạo nên những phong trào mạnh mẽ về thi đua sản xuất.
Hiện nay Việt Nam đã và đang trải qua đại dịch Covid-19, chúng ta lại bắt gặp những hình ảnh cô y tá, bác sĩ xông vào tâm dịch giúp đỡ những người bệnh.
Có ai trong chúng ta không từng rơi lệ khi nhìn thấy hình ảnh em bé bật khóc gọi mẹ khi thấy mẹ đang ở trong tâm dịch xuất hiện trên ti vi. Hay hình ảnh, đám cưới online của nữ điều dưỡng bệnh viên Bạch Mai đang tiếp sức cho TP Hồ Chí Minh trong những ngày chống dịch căng thẳng.
Có ai không xót xa khi thấy những nữ sinh viên ngành y, nữ tình nguyện viên mệt lả đến ngất đi trong lúc hỗ trợ các bệnh nhân nhiễm SARs-CoV-2.
Có ai không thấy tự hào khi bắt gặp hình ảnh những nữ bác sĩ, y tá xông vào tâm dịch với quyết tâm "hết dịch mới về". Hay những nàng hậu, tình nguyện viên ướt nhẹp mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ mang từng phần quà về với người gặp khó khăn giữa mùa dịch.
Rồi trong ngày lũ lụt lịch sử tại miền Trung, các bà, các mẹ, các chị lại cùng nhau góp đấu gạo nếp, mớ lá dong… cùng nhau gói bánh gửi vào những người dân nơi tâm lũ.
Sự đoàn kết, tình yêu thương của phụ nữ là vậy. Trong lúc gian khó, vất vả nhất nhưng phận "liễu yếu đào tơ" chưa bao giờ chùn bước mà ngược lại còn tiếp thêm nguồn sức mạnh to lớn để chúng ta cùng vượt qua.
Ngày nay, thời đại của khoa học công nghệ, Phụ nữ Việt Nam chúng ta vẫn không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, các kỹ năng để khẳng định mình.
Điều này được thể hiện ở việc có rất nhiều những công trình khoa học là kết quả quá trình nghiên cứu của họ. Họ trở thành những chính khách, nhà ngoại giao, nhà khoa học …được tôn vinh trong xã hội.
Không nói đâu xa, ngay trong cơ quan chúng ta, những người phụ nữ như cô Phạm Thị Sao, cô Trần Thị Huyền, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt… là niềm tự hào, là tấm gương để mỗi người chúng ta noi theo.
Giỏi việc nước nhưng họ chưa bao giờ quên đi thiên chức của mình trong cuộc sống gia đình. Có lẽ vì vậy nên câu thơ của nhà thơ Macxim Gorki viết đã sống cùng năm tháng: "Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu".
Thay cho lời kết, tôi xin được nhắc lại lời phát biểu của Bác Hồ tại Đại hội liên hoan Phụ nữ "năm tốt" (ngày 30/4/1964): "Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế phong trào "Năm tốt" sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng".
Tôi mong rằng, với những sự nỗ lực của mình các chị em sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đơn vị ta và mãi xứng danh với 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã trao tặng: "ANH HÙNG - BẤT KHUẤT - TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG".
Kính chúc các bà, các mẹ, các chị, em sẽ có ngày 20/10 hạnh phúc, ấm áp bên những người yêu thương.